Việt Nam đang nỗ lực hết sức để gỡ thẻ vàng ngành thủy sản, giành lại ưu thế xuất khẩu trong thời gian sớm nhất.
Ngày 15-7, Trường ĐH Kinh tế - Luật (ĐH Quốc gia TP.HCM) phối hợp với Trường ĐH Liège (Vương quốc Bỉ) tổ chức hội thảo khoa học quốc tế “Pháp luật quốc tế và Việt Nam (VN) về khai thác thủy sản bền vững, có trách nhiệm”.
Các chuyên gia tập trung phân tích nguyên nhân và đưa ra các đề xuất cụ thể để giảm thiểu tình trạng đánh bắt cá bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (gọi tắt là IUU), đồng thời gỡ thẻ vàng mà Hội đồng châu Âu (EC) áp đặt với ngành thủy sản.
EU ghi nhận nỗ lực chống IUU của VN
Trả lời Pháp Luật TP.HCM, bà Nguyễn Thị Trang Nhung, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Hợp tác Quốc tế, Tổng cục Thủy sản, nhấn mạnh: VN xem việc phòng chống IUU và gỡ bỏ thẻ vàng EU là một chiến lược phát triển bền vững, có trách nhiệm. Do vậy, VN đã đạt những kết quả đáng ghi nhận từ quốc tế, đặc biệt là phía EU.
Bà Nguyễn Thị Trang Nhung (Tổng cục Thủy sản) cho biết nỗ lực của Việt Nam trong việc chống lại hoạt động IUU được EU đánh giá tích cực.
Thứ nhất, khung pháp lý của VN đáp ứng được yêu cầu quốc tế, tạo nền tảng pháp luật chống lại IUU. Cạnh đó, VN xem việc quản lý đội tàu là yếu tố then chốt trong công tác giải quyết các khuyến nghị của EU về thẻ vàng. Điều này giúp VN quản lý được đội tàu khai thác trên biển thông qua hệ thống giám sát hành trình, khi tàu vào biển cũng kiểm soát được. Việc này cũng nhờ vào việc ban hành danh sách các cảng chỉ định để tàu xa bờ cập cảng và thực hiện giám sát 100% sản lượng qua cảng; tổ chức thanh tra, kiểm tra theo quy định, đặc biệt là đáp ứng được yêu cầu về thanh tra, kiểm tra của EU.
Cũng theo bà Nhung, VN kiểm soát khai thác hải sản bằng cách phối hợp với các lực lượng liên ngành như cảnh sát biển, bộ đội biên phòng, lực lượng kiểm ngư, lực lượng thanh tra hải sản địa phương… VN truy nguồn gốc thủy hải sản không chỉ ở trong nước mà còn nguồn gốc nước ngoài được nhập khẩu, sau đó kiểm soát và xuất khẩu trở lại.
“Cuối cùng, VN tăng cường hợp tác với các nước trong khu vực, các diễn đàn đa phương để thể hiện cam kết của Chính phủ trong công tác phòng chống IUU cũng như thực hiện trách nhiệm với các tổ chức quản lý quốc tế” - bà Nhung chia sẻ.
IUU gây thiệt hại tỉ USD mỗi năm
Ước tính mỗi năm IUU gây thiệt hại 9-24 tỉ USD. Trong đó, IUU làm VN thiệt hại khoảng 1,6 tỉ USD. Hoạt động này còn gây hại môi trường và hệ sinh thái biển nghiêm trọng, đe dọa an ninh lương thực, tổn hại sự phát triển bền vững của kinh tế - xã hội toàn cầu.
Vẫn còn nhiều khó khăn nan giải
Tuy nhiên, cũng theo chia sẻ của đại diện từ Tổng cục Thủy sản, VN vẫn còn nhiều vấn đề quan trọng mà chưa thể giải quyết triệt để. VN vẫn chưa thể kiểm soát hiệu quả việc tàu cá của ngư dân VN tham gia đánh bắt trái phép ở các vùng biển nước ngoài. Muốn gỡ thẻ vàng EC, đây là điều tiên quyết.
Tiếp theo, việc VN kiểm soát một cách hiệu quả nguồn gốc thủy sản nhập khẩu là điều không hề đơn giản. Điều này đòi hỏi sự phối hợp tổng thể, liên quan đến các biện pháp quản lý và bảo tồn của VN cùng những tổ chức quản lý khu vực. Phải có những công cụ để theo dõi hành trình của các tàu có đúng như khai báo và đảm bảo tính hợp pháp khi sản phẩm vào VN hay không. Đó là khó khăn đang gặp phải trong quá trình giải quyết thẻ vàng của EU.
“Hôm 29-6, chúng tôi đã họp trực tuyến với phía EU để chuẩn bị cho đoàn kiểm tra sắp đến VN vào đầu tháng 10. Kết luận của đoàn kiểm tra đó sẽ quyết định hiện trạng về thẻ vàng của VN” - bà Nhung nói thêm.
Để giải quyết những khó khăn trên, PGS-TS Ngô Hữu Phước (Trường ĐH Kinh tế - Luật) nhấn mạnh VN cần rà soát nội dung các công cụ pháp lý tự nguyện của Tổ chức Nông Lương Liên Hợp Quốc (FAO) để xây dựng Bộ quy tắc nghề cá có trách nhiệm. Ông Phước kiến nghị bổ sung Bộ luật Hình sự hiện hành tội danh khai thác bất hợp pháp, làm cơ sở pháp lý để trừng phạt những cá nhân, pháp nhân thương mại thực hiện hành vi IUU.
Song song đó, cần xây dựng Luật Khai thác thủy sản trên biển để thực hiện có hiệu quả các điều ước quốc tế; bảo tồn nguồn lợi thủy sản và đa dạng sinh học; phòng ngừa(, ngăn chặn và loại bỏ hoạt động IUU; cải thiện khả năng truy xuất nguồn gốc của sản phẩm đánh bắt…
Cần thiết lập tổ chức quản lý nghề cá khu vực
Theo TS Nguyễn Toàn Thắng - Viện trưởng Viện Luật so sánh Trường ĐH Luật Hà Nội, Khủng hoảng nghề cá ở Biển Đông đã ở mức đáng báo động, đòi hỏi sự chung tay thúc đẩy hợp tác khu vực. Muốn giải quyết cần sự tham gia tích cực của các tổ chức và khuôn khổ quốc tế, khu vực trong việc kiểm soát, kiểm tra, giám sát, quản lý tài nguyên cá, hướng tới sử dụng bền vững.
Từ kinh nghiệm của các khu vực trên thế giới, ASEAN cần thiết lập một tổ chức quản lý nghề cá khu vực (RFMO) với mức độ tin cậy cao. RFMO thường bao gồm: (i) Quản lý nguồn cá theo loài xác định, đặc biệt là cá ngừ đại dương và (ii) quản lý nguồn cá theo khu vực địa lý.