khách hàng nói về seacom

Hướng đến mục tiêu 6,0% diện tích tự nhiên vùng biển quốc gia được bảo tồn

Thứ Hai / 10/01/2022
Đó là mục tiêu đưa ra trong Dự thảo Quy hoạch bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn gửi lấy ý kiến các các đơn vị, tổ chức và cá nhân liên quan.

Theo đó, Dự thảo nhằm bảo đảm hoạt động khai thác hiệu quả gắn với bảo vệ, phục hồi, tái tạo nguồn lợi thủy sản và bảo tồn đa dạng sinh học; phát triển nghề cá bền vững, có trách nhiệm, phù hợp với yêu cầu hội nhập quốc tế; cơ cấu, hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, tăng chất lượng, hiệu quả; bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân; góp phần bảo đảm an sinh xã hội, bảo vệ quốc phòng an ninh trên các vùng biển, hải đảo thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia của Việt Nam.

Từ đó, đưa Việt Nam đến năm 20250, trở thành quốc gia có nghề cá phát triển bền vững, hiện đại, tương đương với các nước có nghề cá phát triển trong khu vực và trên thế giới; đa dạng sinh học biển được bảo tồn và phát triển; đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng cao; góp phần bảo đảm an sinh xã hội; giữ vững độc lập, chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Mục tiêu 6,0% diện tích tự nhiên vùng biển được bảo tồn

Dự thảo đã đặt ra mục tiêu đến năm 2030, có 0,52% (520.000 ha) diện tích tự nhiên vùng biển, ven biển, ven đảo được thành lập khu bảo tồn biển, góp phần hướng đến mục tiêu 6,0% diện tích tự nhiên vùng biển quốc gia được bảo tồn và khoảng 1,73 - 2,93% (1.730.000 - 2.930.000 ha) diện tích tự nhiên vùng biển, ven biển, ven đảo được khoanh vùng bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Để đạt mục tiêu trên, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã đưa ra một số định hướng giải pháp đồng bộ như: Thành lập mới các khu bảo tồn biển hướng tới tăng diện tích, quy mô khu vực biển được bảo tồn đa dạng sinh học và tạo nền tảng bảo tồn gắn với phát triển du dịch sinh thái biển. Bên cạnh đó, thực hiện hiệu quả công tác quản lý khu bảo tồn biển, góp phần bảo vệ hệ sinh thái biển, ven biển và ven đảo, phát triển bền vững kinh tế biển. Hình thành nơi cư trú nhân tạo cho các loài thủy sản ở vùng biển ven bờ nhằm bảo vệ, tái tạo nguồn lợi thủy sản kết hợp với phát triển du lịch và ngăn ngừa, hạn chế các nghề khai thác gây hại đến hệ sinh thái biển... Phát huy tối đa sự tham gia của cộng đồng địa phương trong bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản. Giám sát môi trường sống của các loài thủy sản; xử lý hiệu quả vấn đề ô nhiễm nước trên các thủy vực, đặc biệt là vấn đề xả thải ở các khu công nghiệp, làng nghề, nhà máy và xí nghiệp,...Ứng dụng khoa học công nghệ trong khai thác thủy sản thân thiện hướng  đến bảo vệ nguồn lợi các loài rùa biển, thú biển và giảm thiểu đánh bắt không chủ ý.

Cụ thể, tiếp tục duy trì 08 khu bảo tồn biển đã được thành lập và thành lập mới 26 khu bảo tồn biển nhằm tăng cường bảo vệ đa dạng sinh học và hệ sinh thái rạn san hô. Cùng với đó sẽ quy hoạch 68 khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản nhằm bảo vệ các loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm; loài thủy sản có giá trị kinh tế; loài thuỷ sản bản địa. Tiếp tục mở rộng phạm vi, ranh giới 14 khu vực và quy hoạch mới 32 khu vực cấm khai thác thuỷ sản có thời hạn ở vùng biển ven bờ. Hình thành 34 khu vực cư trú nhân tạo cho các loài thủy sản nhằm tăng cường cho công tác bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản ở vùng biển ven bờ.




Giảm dần sản lượng khai thác thủy sản

Nếu chỉ chú trọng vào bảo tồn và phát triển nguồn lợi mà không kiểm soát, cơ cấu lại ngành nghề khai thác và sản lượng khai thác thì khó có thể đạt những mục tiêu đã đề ra. Chính vì vậy, dự thảo lần này đã gắn chặt chẽ giữa khai thác với bảo vệ nguồn lợi thủy sản theo hướng tăng diện tích khu bảo tồn giảm dần cường lực khai thác, cơ cấu lại đội tàu khai thác một cách hợp lý, cơ cấu ngành nghề khai thác theo hướng bền vững…

Theo đó, mục tiêu giảm dần sản lượng khai thác đảm bảo phù hợp với trữ lượng nguồn lợi thủy sản là mục tiêu hàng đầu, xuyên suốt để đưa lĩnh vực khai thác phát triển một cách bền vững. Chú trọng tăng về giá trị sản xuất, chuyển đổi tỷ trọng sản lượng khai thác giữa các vùng biển, ngư trường phù hợp với sự thay đổi về cơ cấu tàu thuyền và trữ lượng nguồn lợi. Khai thác có chọn lọc với các đối tượng chủ lực có giá trị kinh tế cao, có giá trị xuất khẩu, tăng thu nhập và ổn định sinh kế cho ngư dân. Điều chỉnh số lượng tàu cá đảm bảo phù hợp với khả năng khai thác cho phép của trữ lượng nguồn lợi thủy sản, đặc biệt giảm tỷ trọng nghề lưới kéo. Tổ chức lại hoạt động khai thác thủy sản trên các vùng biển theo hướng phát triển hợp lý khai thác vùng khơi, gắn khai thác bền vững với bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản. Chuyển đổi cơ cấu nghề khai thác hợp lý giữa các vùng biển, các nghề khai thác xâm hại nguồn lợi, hủy hoại môi trường, sinh thái biển sang các nghề khai thác thân thiện, đạt hiệu quả kinh tế cao và bền vững.

Ưu tiên chuyển đổi một số nghề khai thác thủy sản có tính hủy diệt, nghềxâm hại, nghề cấm sang các ngành nghề phù hợp nhằm giảm áp lực khai thác và tạo cơ hội cho nguồn lợi thủy sản được bổ sung, tái tạo, phục hồi hiệu quả.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xác định, giao hạn ngạch giấy phép khai thác thủy sản, sản lượng cho phép khai thác tại vùng khơi cho các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh công bố hạn ngạch và cấp giấy phép khai thác thủy sản, sản lượng cho phép khai thác tại vùng ven bờ và vùng lộng thuộc phạm vi quản lý.

khách hàng nói về seacom