Theo số liệu thống kê của Hải quan Việt Nam, EU là thị trường xuất khẩu thuỷ sản lớn thứ 4 của Việt Nam, chiếm 11% tổng giá trị xuất khẩu. Năm 2020, xuất khẩu thuỷ sản của Việt Nam sang EU bị tác động kép bởi dịch Covid và thẻ vàng IUU khiến kim ngạch chỉ đạt 959 triệu USD, giảm 5,7% so với năm 2019. Cùng với đó, sự kiện Brexit (Anh rời khỏi EU) từ tháng 2/2020 cũng khiến cho thị trường thuỷ sản EU bị xáo trộn.
Tuy nhiên, nhờ đòn bẩy EVFTA xuất khẩu thuỷ sản của Việt Nam sang thị trường này đang dần phục hồi. Trên thế giới, EU là thị trường thuỷ sản lớn, nhưng lại không phải là một thị trường đơn lẻ. Và để thành công, các doanh nghiệp cần am hiểu thị trường này hơn nữa. Để giúp các doanh nghiệp có thể thuận lợi hơn trong xuất khẩu thuỷ sản sang EU, VASEP xin gửi tới các DN sơ bộ những quy định và thủ tục đối với hàng thuỷ sản nhập khẩu vào EU mà các nhà xuất khẩu sang thị trường này cần biết:
Chứng từ nhập khẩu
Bộ chứng từ hành chính duy nhất (SAD)
Một mẫu chính thức cho các tờ khai hải quan là Bộ Chứng từ Hành chính duy nhất (SAD). Bộ chứng từ này mô tả hàng hoà và sự di chuyển của hàng hoá trên khắp thế giới và rất cần thiết cho giao dịch bên ngoài EU hoặc giao dịch các hàng hoá không thuộc các nước EU. Hàng hoá được đưa vào lãnh thổ hải quan của EU, kể từ khi nhập cảnh, phải chịu sự giám sát của hải quan cho tới khi hoàn tất các thủ tục hải quan. Hàng hoá được mô tả trong một Tờ khai sơ lược (Summary Declaration), tờ khai này sau khi được điền đầy đủ được xuất trình cho cơ quan hải quan. Tuy nhiên, cơ quan hải quan có thể cho phép kéo dài thời gian điền tờ khai, nhưng không được quá ngày làm việc đầu tiên sau khi hàng hoá được nhập kho hải quan.
Tờ khai sơ lược được nộp bởi:
- Người đưa hàng vào lãnh thổ hải quan của EU hoặc bất kỳ người nào nhận trách nhiệm vận chuyển hàng hoá sau khi nhập cảnh; hoặc
- Người đứng tên là người liên quan tới việc vận chuyển hàng hoá kể trên.
Tờ khai sơ lược có thể được lập theo mẫu do cơ quan hải quan cũng cấp. Tuy nhiên, cơ quan hải quan cũng có thể cho phép sử dụng bất kỳ chứng từ thương mại hoặc chính thức nào có các thông tin cụ thể cần thiết để xác định hàng hoá. SAD đóng vai trò là tờ khai của nhập nhập khẩu EU. SAD bao gồm cả tờ khai thuế hải quan và thuế VAT và có giá trị tại tất cả các nước thành viên của EU. Việc khai báo được thực hiện bởi người thông quan hàng hoá, thông thường là hồ sơ của nhà nhập khẩu hoặc người đại diện của nhà nhập khẩu.
Các nước thuộc Hiệp hội Thương mại Tự do Châu Âu (EFTA) bao gồm Na Uy, Thuỵ Sĩ, Iceland và Liechtenstein cũng sử dụng SAD. Thông tin về các hình thức xuất/nhập khẩu có trong Quy định Uỷ quyền của Uỷ ban (EU) số 2015/2446.